Bài viết mô tả hình ảnh các bất thường tế bào hồng cầu trưởng thành trong máu ngoại vi
Tiếp theo bài viết trước về hình thái bình thường các tế bào máu. Hôm nay mình sẽ chia sẻ thêm về hình ảnh các bất thường của hồng cầu trưởng thành. Có một số nơi đã chia sẻ các hình ảnh này, tuy nhiên mình thấy ở đó chưa thực sự đủ và chi tiết. Do vậy bài viết này ngoài việc chia sẻ hình ảnh các bất thường này mình sẽ mô tả cụ thể đặc điểm hình thái và các tình trạng bệnh lý khi xuất hiện các hình ảnh tế bào hồng cầu bất thường này.
Hồng cầu nhỏ: MCV < 80fl.
Hồng cầu nhỏ |
Gặp trong: Thiếu máu thiếu sắt, Thalassemia, viêm mãn tính (1 số trường hợp), nhiễm độc chì, bệnh lý huyết sắc tố, thiếu máu nguyên bào sắt.
Hồng cầu lớn: MCV > 100fl.
Hồng cầu lớn |
Gặp trong: Bệnh gan, thiếu vitamin B12, thiếu folic, trẻ sơ sinh, đa hồng cầu.
2. Bất thường về độ đồng đều
Các hồng cầu không đồng nhất
Hồng cầu không đồng nhất |
Các hồng cầu không đồng nhất, cho biết độ đồng đều RDW >14,5%.
Gặp trong: Thiếu máu đặc biệt là thiếu máu thiếu sắt, bệnh hồng cầu khổng lồ và tan máu.
Hai quần thể hồng cầu
2 quần thể hồng cầu |
Có hai quần thể hồng cầu, một quần thể hồng cầu lớn và một quần thể hồng cầu nhỏ. Dải phân bố kích thước hồng cầu >14,5%.
Gặp trong: truyền máu, loạn sản tủy, thiếu máu nguyên bào sắt, giai đoạn đầu trong quá trình điều trị thiếu vitamin B12, thiếu folic, thiếu sắt.
3. Thay đổi màu sắc của hồng cầu.
Hồng cầu nhược sắc.
Hồng cầu nhược sắc |
Khoảng trống trung tâm của hồng cầu phải lớn hơn 1/3 đường kính hồng cầu. Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC) nên được sử dụng để đánh giá mức độ nhược sắc của hồng cầu. Tuy nhiên, không phải MCHC luôn giảm mặc dù nhìn thấy hồng cầu nhược sắc trên tiêu bản.
Gặp trong: thiếu máu thiếu sắt, thalassemia, thiếu máu nguyên bào sắt, nhiễm độc chì, một vài trường hợp thiếu máu trong viêm mạn tính.
Hai quần thể màu sắc hồng cầu
2 quần thể màu sắc |
Gặp trong: truyền máu, thiếu máu nguyên bào sắt.
Đa màu sắc
Đa màu sắc |
Các ARN được giữ lại trong hồng cầu.
Gặp trong: chảy máu cấp và mãn tính, tan máu, hiệu quả khi điều trị thiếu máu, trẻ sơ sinh.
4. Biến đổi hình dạng hồng cầu.
Hồng cầu gai.
Hồng cầu gai |
Mô tả: Màu đỏ đậm đến hồng, không có vùng nhạt màu trung tâm. Các hồng cầu có nhiều sự khác nhau về chiều rộng, chiều dài, số lượng các gai.
Gặp trong: Bệnh gan nặng, cắt lách, kém hấp thu, suy giáp, thiếu vitamin E, abetalipoproteinemia
Mảnh vỡ hồng cầu, hồng cầu bị khuyết và hồng cầu có bóng nước bên trong.
Mảnh vỡ hồng cầu |
Hồng cầu bị khuyết |
Hồng cầu có bóng nước |
Mô tả: Màu đỏ đến hồng, hồng cầu phân thành nhiều mảnh. Nhiều kích cỡ và hình dạng có thể thấy trên lam.
Gặp trong: thiếu máu tan máu nội mạch hội chứng tan máu ure huyết, xuất huyết giảm tiểu cầu, đông máu rải rác lòng mạch), bỏng nặng, thải ghép thận.
Hồng cầu hình răng cưa.
Hồng cầu hình răng cưa |
Mô tả: Hồng cầu với các răng cưa ngắn, các răng cưa này đều nhau và nhạt màu hơn so với phía trong.
Gặp trong: Tăng ure huyết, thiếu men pyruvate, thiếu máu tan máu mao mạch, trẻ sơ sinh.
Hồng cầu hình cầu.
Hồng cầu hình cầu |
Mô tả: Hình tròn, không có khoảng trống trung tâm, đạm màu hơn so với các hồng cầu xung quanh.
Gặp trong: Bệnh hồng cầu hình cầu di truyền, thiếu máu tan máu, truyền máu, bỏng nặng.
Hồng cầu hình bia.
Hồng cầu hình bia |
Mô tả: Màu đỏ đến hồng, hình mắt bò, vùng trung tâm đậm màu được bao quanh bởi vùng nhạt màu.
Gặp trong: bệnh lý huyết sắc tố, thalassemia, thieus máu thiếu sắt, cắt lách, bệnh gan tắc nghẽn.
Hồng cầu hình liềm.
Hồng cầu hình liềm |
Mô tả: Màu đỏ đậm tới hồng, không có vùng nhạt màu trung tâm, tế bào thuôn dài với hai đầu nhọn. Có thể uốn cong hoặc hình chữ S.
Gặp trong: Bệnh huyết sắc tố S đồng hợp tử, đôi khi trong bệnh huyết sắc tố SC.
Chú ý: Đôi khi có những mảnh vỡ hồng cầu cũng cong hình liềm nhưng phần thân to hơn chứ không thon dài.
Tinh thể huyết sắc tố CC
Huyết sắc tố CC |
Mô tả: Màu đỏ đậm, hình lục giác, thường là 1 tinh thể trên 1 tế bào. Chứa huyết sắc tố C.
Gặp trong: Bệnh huyết sắc tố C đồng hợp tử.
Huyết sắc tố SC
Huyết sắc tố SC |
Mô tả: Màu đỏ đậm, giống như 1 đến 2 ngón tay hoặc đôi khi giống như hình găng tay hở ngón. Tế bào có thể có một đến 2 nếp gấp, chứa huyết sắc tố SC.
Gặp trong: Bệnh huyết sắc tố SC.
Hồng cầu hình bầu dục.
Hồng cầu hình bầu dục |
Mô tả: Có thể gặp dạng hình điếu xì gà hoặc hình quả trứng.
Gặp trong: Bệnh hồng cầu hình bầu dục di truyền, thalassemia, thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu bất sản tủy.
Hồng cầu hình giọt nước
Hồng cầu hình giọt nước |
Mô tả: Các hồng cầu giống như hình giọt nước hoặc hình quả lê. Có thể có một góc tù nhô ra.
Gặp trong: Xơ tủy nguyên phát, thalassemia, thiếu máu bất sản tủy, nguyên nhân khác ngoài tủy sinh máu.
Hồng cầu hình miệng.
Hồng cầu hình miệng |
Mô tả: Hồng cầu có khoảng sáng trung tâm là một khe hẹp (nhìn như miệng).
Gặp trong: Bệnh hồng cầu hình miệng di truyền, nghiện rượu, bệnh gan, artifact
Hồng cầu chuỗi tiền.
Hồng cầu chuỗi tiền |
Mô tả: Các hồng cầu xếp chồng lên nhau thành một chuỗi dài như chuỗi tiền. Sự gia tăng các protein ở bệnh nhân có thể tạo lên các cuộn hồng cầu trên tiêu bản.
Gặp trong: Tình tạng viêm cấp và mạn, u nguyên bào, u lympho.
Chú ý: Sự ngưng tập sẽ được phát hiện bằng nước muối.
Tự ngưng kết
Hồng cầu tự ngưng kết |
Mô tả: Các hồng cầu kết thành nhóm, đường ranh giới giữa các hồng cầu có thể không hiện rõ ràng.
Gặp trong: Phản ứng kháng nguyên – kháng thể.
Chú ý: Sự ngưng kết này không thể loại bỏ bằng nước muối sinh lý.
5. Các thể vùi trong hồng cầu.
Thể Howell-Jolly
Thể Howell-Jolly |
Mô tả: Màu xanh đen hoặc tía. Hình tròn hoặc bầu dục. Kích thước từ 0,5-1,5 μm. Thường có một hoặc nhiều trên một tế bào. Bản chất DNA.
Gặp trong: Sau cắt lách, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, thiếu máu tan máu.
Chấm ưa base
Chấm ưa base |
Mô tả: Xanh đen hoặc tía. Các đám hạt nhỏ mịn hoặc thô. Các hạt nhiều và phân bố đồng đều trong tế bào. Bản chất là RNA.
Gặp trong: Nhiễm độc chì, thalassemia, bất thường tổng hợp nhân Hem.
Thể Pappenheime
Thể Pappenheime |
Mô tả: Màu xanh sáng. Các hạt mịn, không đều, tạp chung thành đám. Thường chỉ có một đám hoặc có thể có nhiều và nằm ở cạnh rìa hồng cầu. Bản chất là sắt.
Gặp trong: Cắt lách, tan máu, thiếu máu nguyên bào sắt, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, các bệnh lý huyết sắc tố.
Vòng cabot
Vòng cabot |
Mô tả: Màu xanh đen tới màu tía. Hình vòng, nhẫn, hình số 8, có thể nhìn giống như chuỗi hạt. Có từ 1 đến 2 vòng trong 1 tế bào. Bản chất là các tồn dư của các thoi trong quá trình giản phân.
Gặp trong: hội chứng loạn sản, thiếu máu nguyên bào khổng lồ.
Hồng cầu lưới.
Hồng cầu
lưới.
|
Mô tả: Là hồng cầu gần trưởng thành, không còn nhân. Bản chất là các ARN kết tủa. Có 2 hoặc hơn trên 1 tế bào. Màu xanh đen.
Gặp trong: Tình trạng bình thường.
Thể Heinz
Thể Heinz |
Mô tả: là các chấm nhỏ trong hồng cầu. Bản chất là huyết sắc tố kết tủa. Có một hoặc nhiều kết tủa trên một tế bào. Màu xanh đen hoặc tía.
Gặp trong: huyết sắc tố không bền vững, bệnh lý huyết sắc tố, thiếu hụt men hồng cầu.
Huyết sắc tố H
Huyết sắc tố H |
Mô tả: là hc trưởng thành. Bản chất là huyết sắc tố β xếp chuỗi. Có rất nhiều thể vùi trong một tế bào nên nhìn giống như một quả bóng golf. Màu xanh đậm.
Trên đây là hình ảnh các bất thường tế bào hồng cầu trưởng thành. Hy vọng qua bài viết các bạn sẽ có được thêm các kinh nghiệm về nhận diện hình thái tế bào hồng cầu. Cảm ơn các bạn đã quan tâm. Khi sao chép nội dung bài viết đề nghị ghi rõ nguồn: www.tuyenlab.com, Cảm ơn các bạn!
COMMENTS